Loading...
Đường dây nóng: 0919843988
Email:mnchiengkheo.maison@sonla.gov.vn

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023)

1. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập tổ chức Đoàn

Ngày 05/6/1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Với nhiệt huyết của tuổi thanh niên, năm 1917, Người sáng lập "Nhóm những người Việt Nam yêu nước" tại Paris (Pháp), thành phần chủ yếu là thanh niên, mục đích chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị chống thực dân Pháp ngay tại Pháp mà hoạt động tiêu biểu là gửi bản yêu sách 08 điểm đòi quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và tự quyết của dân tộc Việt Nam. Dư luận Pháp coi đây là quả bom chính trị nổ ngay giữa Paris. Đến tháng 7/1920, khi được đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã sáng rõ con đường giải phóng dân tộc, từ đó Người quyết định đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga và sau đó tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III (tháng 12/1920). Năm 1921, tại Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc thành lập ra "Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa", thành viên chủ yếu là thanh niên, mục đích đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức này truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến các dân tộc thuộc địa. Đây chính là loại hình Quốc tế thanh niên thuộc địa theo quan điểm của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc bước đầu bắt tay thực hiện.

Tháng 6/1924, Nguyễn Ái Quốc là đại diện ưu tú của các dân tộc bị áp bức, đại biểu chính thức tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tại Matxcơva (Nga), Người đã đề nghị với Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập "Nhóm châu Á" tại trường Đại học Phương Đông nhằm tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội nghiên cứu tình hình, đặc điểm các nước thuộc địa phụ thuộc. Khi tham gia Đại hội Quốc tế thanh niên cộng sản lần thứ IV tại Matxcơva vào tháng 7/1924, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội "Luận cương về thanh niên thuộc địa", trong đó nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức Thanh niên cộng sản ở thuộc địa.

Tháng 12/1924, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu tình hình, tìm cách tiếp cận và làm việc với nhóm thanh niên trong tổ chức Tâm Tâm xã. Người đã nêu lên những thiếu sót trong nhận thức, hành động của nhóm này và khâm phục tinh thần yêu nước đối với các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Dưới hình thức mở các lớp bồi dưỡng về chủ nghĩa xã hội khoa học và học thuyết Mác - Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản… Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên niềm tin mạnh mẽ cho số thanh niên yêu nước và đưa họ dần đến với chân lý cách mạng. Tháng 02 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tổ chức một nhóm thanh niên bí mật gồm 09 người (Lý Thụy, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Lâm Văn Dĩnh). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển các tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng cộng sản cũng như sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.

Tháng 6 năm 1925, "Hội Việt Nam cách mạng thanh niên" với nòng cốt là Cộng sản Đoàn đã chính thức tuyên bố thành lập và bắt đầu mở rộng các hoạt động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của Nhân dân ta, đặc biệt là của thanh niên. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo "Thanh niên", với mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đặt nền tảng đầu tiên để chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức thanh niên sau này.

Cuối năm 1925 đầu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Hồ Tùng Mậu về Thái Lan để củng cố cơ sở cách mạng của bà con Việt kiều, đồng thời lựa chọn một số thiếu niên ưu tú là con em Việt kiều yêu nước đang học tại trường Hoa - Anh học hiệu (của một nhà yêu nước người Trung Quốc) bí mật đưa sang Quảng Châu đào tạo để chuẩn bị cho đội ngũ kế cận cách mạng sau này và chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên cộng sản Đoàn ở trong nước.

2. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc thành lập tổ chức Đoàn

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản. Hội nghị đã thông qua: "Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng". Đặc biệt là thông qua "Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động". Trong Án nghị quyết có ghi: "Đảng phải thi hành ngay Án nghị quyết của Quốc tế cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính độc lập…". "Đảng Cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên, phải lãnh đạo quần chúng thanh niên… Muốn vậy, chỉ có thể tổ chức ra một đoàn thể của thanh niên mới được". "Trung ương, các xứ ủy, các tỉnh, thành, đặc ủy phải phái ra một số đồng chí trẻ tuổi phụ trách tổ chức ra Thanh niên cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tánh chất độc lập". "Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động" là văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển và thực sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Đoàn.

Thực hiện Án nghị quyết tháng 10/1930 về công tác thanh niên của Trung ương Đảng, các cơ sở Đoàn được xây dựng trên hầu hết các địa phương cả nước, nhưng hệ thống tổ chức của Đoàn vẫn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2 diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cần kíp mà Đảng phải làm, trong đó có việc phải nhanh chóng thành lập tổ chức Đoàn: "Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn, Đảng cần kíp đánh tan cái thái độ hờ hững lãnh đạm với vấn đề đó. Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức những ủy viên tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức; tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn và phải chỉ đạo cho các chi bộ mới thành lập của Đoàn bắt đầu hoạt động trong quần chúng thanh niên... Trong một thời gian ngắn ngủi tới đây, Đảng bộ các địa phương phải gây ra cơ sở của Đoàn...".

Sau khi có Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các chi bộ đảng ở địa phương đã cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đã xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức đoàn xã, huyện lên đến tỉnh. Đến cuối năm 1931, số lượng đoàn viên trong cả nước lên đến khoảng hơn 2.500 đoàn viên. Qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản đã công nhận Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc tế thanh niên cộng sản.

Theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.

3. Ý nghĩa sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Sự ra đời của Đoàn TNCS Đông Dương (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên. Sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam trở thành một dấu mốc lịch sử trọng đại của thế hệ trẻ Việt Nam, từ đây những người cộng sản trẻ tuổi đã có tổ chức riêng của mình đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện thường xuyên, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng; luôn sắt son niềm tin với Đảng, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam; luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

4. Các tên gọi của Đoàn qua các thời kỳ lịch sử

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã mang nhiều tên gọi khác nhau, cụ thể:

Từ 1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.

Từ 1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.

Từ 1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương.

Từ 1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.

Từ 1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Từ 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.

Từ 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.                                                                                                                          Chi đoàn Trường Mầm non Chiềng Kheo

Nội dung khác
TIN MỚI